Tư vấn

Trống đồng Heger II – Báu vật vô giá của nền văn hoá Mường

Trống đồng Heger II – Báu vật vô giá của nền văn hoá Mường

Trống đồng được coi là biểu tượng của nền văn hoá Việt Nam thời kì dựng nước. Nếu trống đồng Đông Sơn (Heger I) là biểu tượng văn hóa, văn minh Việt Cổ, thì trống đồng Heger II có thể được xem là biểu tượng văn hóa của người Mường ở Việt Nam. 

Nguồn gốc của Trống đồng Heger II

Trống đồng Heger II được tìm thấy và phân bố chủ yếu ở các tỉnh vùng Tây bắc và các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, nơi có đồng bào Mường sinh sống. Ngoài số lượng trống phát hiện ngẫu nhiên thì đa phần được tìm thấy trong những ngôi mộ Mường cổ, có niên đại từ thế kỷ XI, XII đến thế kỷ XV, XVI. Chúng được người Mường sử dụng như vật dụng kê quan tài hoặc đồ tùy táng.

Dù ngày nay, vấn đề tìm hiểu, kết luận một cách chính xác nguồn gốc (kỹ nghệ chế tạo, mục đích chế tạo, nguồn gốc về chủ nhân…) chưa có được lời giải đáp thỏa đáng, song sự hiện diện chủ yếu của loại trống đồng này trên vùng cư trú của người Mường trong gần một thiên niên kỷ là một bằng chứng hùng hồn của truyền thống Đông Sơn, là sự tiếp nối và sáng tạo nền văn hoá, văn minh Việt cổ. Với ý nghĩa đó, trống Heger II có thể gọi là trống Mường.

Nhà khảo cổ học Franz Heger – Người đầu tiên đặt nền móng cho công cuộc nghiên cứu Trống đồng tại Việt Nam. 

Đặc trưng Trống đồng Heger II

Về đặc điểm, hình dáng, trống đồng Heger II cơ bản chia làm 3 phần: tang trống có hình dáng hơi phình và tròn, phần thân và chân đế được ngăn cách bởi một đường gờ nổi. Trống có 4 quai nhỏ, tròn trên phần tang trống. Mặt trống có kích thước rộng hơn phần tang từ 1-3 cm. Đặc biệt, hoa văn trống loại II chủ yếu là hoa văn hình học có tính chất lặp đi lặp lại. Ngôi sao giữa mặt trống thường có 8 hoặc 12 cánh nhỏ, cánh sao mảnh, không mập như cánh sao ở trống Heger I. Rìa mặt trống có những khối tượng cóc. "Con cóc là cậu ông Trời” – tiếng cóc kêu mỗi khi trời mưa chính là ý nghĩa cho hình ảnh con cóc được khắc trên trống. Người xưa liên tưởng tiếng kêu của cóc với tiếng trống trầm hùng, để mỗi khi hạn hán lại mang trống ra đánh, với mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Ngoài ra một số trống phát hiện ở Hòa Bình còn có các cặp cóc trong tư thế đang giao hoan, tượng trưng cho mong muốn phồn thực, con đàn cháu đống.

“ Trống của người Mường

Có quai nhỏ

Có đàn cóc ra hóng gió

Có ả Sáng, ả Sao”.

 Giá trị biểu tượng của Trống đồng Heger II đối với văn hóa Mường

Đối với người Mường, trống đồng là cổ vật thiêng liêng, biểu trưng cho quyền lực và sự giàu sang của tầng lớp Lang đạo… Ngoài chức năng nhạc khí, trống đồng còn được dùng trong các nghi lễ tôn giáo, lễ hội hay trong những cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, khi người thủ lĩnh bộ lạc kêu gọi mọi người từ khắp nơi tụ về để cùng chiến đấu. Có thể nói, biểu tượng trống đồng gắn bó với người dân tộc Mường cả khi còn sống lẫn khi đã nhắm mắt xuôi tay. Trống đồng vừa làm bạn với người sống, phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần của người sống, vừa làm bạn với người chết và là vật để tang theo người chết. 

Cổ vật Trống đồng Heger II được trưng bày tại khu nhà Ngọa Long nằm trong quần thể du lịch văn hoá sinh thái Long Việt có niên đại 1600 năm.

Trống đồng Heger II gắn bó sâu sắc với cuộc sống của người Mường, thể hiện bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc Mường – dân tộc mang sức sống mạnh mẽ với bộ sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Đến với khu nhà Ngọa Long nằm trong quần thể khu du lịch văn hóa sinh thái Long Việt, nơi lưu trữ và trưng bày những cổ vật vô giá với niên đại hàng nghìn năm của dân tộc người Việt cổ, du khách sẽ có cơ hội được tận mắt ngắm nghìn chiếc trống Mường 1600 năm tuổi đời với hoạ tiết những con linh vật được chạm khắc tinh xảo, đặc biệt là hình ảnh cặp linh vật cõng nhau, tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở theo quy luật vũ trụ. Long Việt hy vọng, du khách sẽ có những trải nghiệm quý giá tại đây cũng như hiểu thêm và yêu thêm vẻ đẹp văn hoá đa dạng của các dân tộc Việt Nam.

 

Bình luận
Đánh giá của bạn:
084 224 1111