Tư vấn

LONG VIỆT GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY NÉT ĐẸP TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU CỦA NGƯỜI VIỆT

LONG VIỆT GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY NÉT ĐẸP TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU CỦA NGƯỜI VIỆT

Đạo Mẫu là tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ  thời kỳ nguyên thủy, lấy Mẫu (Mẹ) là đấng sáng tạo và bảo trì cho vũ trụ và con người, là nơi con người ký thác những mong muốn, khát vọng về đời sống sung túc, mạnh khỏe, may mắn và tài lộc của mình. Đây không phải là hình thức tín ngưỡng tôn giáo đồng nhất. Nó là một hệ thống các tín ngưỡng với ít nhất ba lớp khác nhau nhưng có mối quan hệ hữu cơ và chi phối lẫn nhau. Đó là lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần, lớp tín ngưỡng thờ Mẫu Thần và lớp tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ.

Từ thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân. Tín ngưỡng thờ Mẫu chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng; tôn thờ người Mẹ, đồng nghĩa với mong muốn bảo trợ, sinh sôi, sáng tạo; hướng con người về đời sống thực tại, gần gũi. Tục thờ Mẫu có thể coi là một truyền thống đặc sắc, mang tính nhân văn tốt đẹp của người Việt Nam mà ít nơi nào trên thế giới có được.

Đạo Mẫu, thông qua các ký ức, các truyền thuyết và huyền thoại, qua các nghi lễ và lễ hội đã thể hiện rõ ý thức lịch sử và ý thức xã hội của mình. Trong điện thần của đạo Mẫu, hầu hết các vị thánh đã được lịch sử hóa, tức là đều hóa thân thành những con người có danh tiếng, có công trạng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tất nhiên, trên thực tế có không ít những vị thánh thần vốn thoát thai từ các nhân vật có thật trong lịch sử, sau này được người đời tô vẽ, thần tượng lên thành các vị thần thánh, tức là các vị thần thánh có "nguyên mẫu" trong lịch sử (Trần Hưng Đạo - Đức Thánh Trần, Mẹ Âu Cơ - Mẫu Thượng Ngàn, Lê Khôi hay Nguyễn Xí - Ông Hoàng Mười, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan - Ông Hoàng Bơ, Bà Lê Chân - Thánh Mẫu Bát Nàn…). Ngoài ra còn có nhiều vị thần linh, vốn là các thiên thần hay nhiên thần, nhưng lại được người đời "nhân thần hóa" hay "lịch sử hóa", gán cho họ có sự nghiệp, có công trạng với đất nước hay từng địa phương.

Tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ chứa đựng giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc, đó là tâm thức “Uống nước nhớ nguồn”, trong đó người Mẹ - Mẫu là trung tâm, mà qua đó còn thể hiện một cách độc đáo tinh thần yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn thông qua việc tôn vinh những người có công với đất nước.

Nhằm bảo tồn, giữ gìn và tôn vinh nét đẹp tín ngưỡng truyền thống của người Việt, Long Việt đã phục dựng Khu nhà Tín ngưỡng thờ Mẫu với ban thờ Mẫu, cũng như trưng bày các phục trang dành cho những giá đồng tiêu biểu trong 36 giá đồng được lưu truyền cho đến ngày nay.

Bình luận
Đánh giá của bạn:
084 224 1111