Tư vấn

BÌNH VÔI - THỨ VẬT DỤNG GẮN LIỀN VỚI VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT

BÌNH VÔI - THỨ VẬT DỤNG GẮN LIỀN VỚI VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT

Trong các cổ vật gắn liền với văn hóa người Việt, có lẽ hiếm có thứ gì được gọi bằng một danh xưng kính cẩn như thế – Ông Bình Vôi.

Hình ảnh bộ sưu tập bình vôi tại khu du lịch văn hóa sinh thái Long Việt 


Theo vốn hiểu biết hạn hẹp của Long Việt, đoán chừng nguồn gốc của danh xưng này có lẽ là từ sự tích trầu cau. Với tín ngưỡng đa thần giáo và quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, các cụ nhà mình ngày xưa cho rằng bình vôi đặt trong nhà có khả năng mách nước cho gia chủ những chuyện hay dở của cuộc sống để né tránh. Do vậy, trong nhiều gia đình, tối đến, khi không dùng cau trầu nữa thì sẽ bỏ chìa vôi ra khỏi miệng bình, có như thế thì bình vôi mới mách nước nghe chuyện nhà. Trộm cắp thời đó khi vào nhà cũng từ suy nghĩ ấy mà thường dùng vải nút miệng bình vôi lại để cả nhà ngủ say, hoặc có tỉnh giấc cũng không thể kêu la được.


Là vật thiêng như thế nên cho đến nay, một số địa phương vẫn còn lưu truyền những chuyện thú vị về lối sản xuất bình vôi. Không phải lò gốm nào cũng có thể làm ra được bình vôi đâu các bạn ạ. Nếu muốn làm, còn phải chọn đúng tháng nhuận, năm nhuận; người nghệ nhân cũng phải giữ mình sạch sẽ, gia đình êm thấm, không trong giai đoạn chịu tang chế; khi ấy mới tiến hành sản xuất bình vôi. Mỗi thời kỳ, sản xuất bình vôi lại có những kỹ thuật khác nhau, tạo nên sự đa dạng cả về hình dáng, kích thước và hoa văn trang trí. Những hình tượng dân gian quen thuộc mang hàm ý tốt lành, chúc phúc, đem lại sự may mắn. Từ rồng, phụng, nghê, kỳ lân, chữ thọ, mặt hổ phù, đến hoa văn trang trí như cúc dây, quy giáp, hoa thị, tản vân,… đều được các nghệ nhân thể hiện hết sức sinh động.
Phải nói rằng bình vôi là một chế tác có nét riêng rẽ độc lập mang cá tính rất Việt Nam, mặc dù tục ăn cau trầu vôi lan rộng cả vùng Đông Nam Á và cả Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam phía Nam Trung Hoa. Cau trầu trong đời sống tinh thần người Việt, không những dùng như một nghệ thuật làm đẹp, mà còn dùng trong mọi việc, từ giao tế thường ngày đến các nghi lễ trọng đại trong đời, nhất là về hôn nhân. Thiết nghĩ, những chiếc bình đựng vôi cũng theo lẽ đó mà song hành cùng như một nét văn hóa không thể tách rời.

Bình vôi - vật dụng gắn liền cuộc sống người Việt 


Người Việt xưa tôn kính gọi chiếc bình vôi là Ông – Ông Vôi hoặc Ông Bình Vôi – được coi như một vị thần, được giữ gìn tôn trọng. Với những gia đình có điều kiện, bình vôi còn được đặt cẩn thận ở khay, tráp, quả hộp, hay cơi cau trầu trên sập gụ hoặc trên bàn kê giữa nhà. Chiếc khay cũng được cẩn trọng bảo quản, thường được làm bằng gỗ quý chạm trổ hoặc cẩn xà cừ, cẩn ngà. Đi đôi với bộ khay cau trầu vôi trên sập gụ hay trên bàn, là một ống nhổ bằng đồng thau để dưới chân sập chân bàn, dùng đựng nước trầu và bã trầu. Khi bình vôi đã cũ, hỏng, không ai đem vứt đi cả mà đem để dưới gốc đa trong làng hoặc dưới lũy tre bên đình, là những nơi cũng được tôn kính, dân làng hay qua lại ngồi nghỉ mát hoặc họp chợ.


Qua hàng nghìn năm lịch sử, chiếc bình vôi luôn hiện hữu trong từng triều đại, thời kỳ, trở thành một “chứng nhân” văn hóa chân thực và sống động. Nếu là người yêu văn hóa Việt, có dịp đến Long Việt, tin rằng bạn sẽ thích thú với nhiều tạo phẩm bình vôi cổ mà nơi đây còn lưu giữ và cả những câu chuyện xung quanh.

Bình luận
Đánh giá của bạn:
084 224 1111